Dùng Máy Android Có Nên Root?

Admin 22/08/2018
dung-may-android-co-nen-root

Trước đây, người dùng Android luôn tìm cách root máy để cải thiện hiệu năng, vọc vạch, cài app "chùa". Nhưng với sự cải tiến mạnh mẽ trên nhiều phương diện, việc root smartphone hiện nay liệu có còn cần thiết?

Tại sao phải Root máy?

Đầu tiên, có rất nhiều lý do khiến người dùng muốn root điện thoại của mình, có thể đơn giản là chỉ để cài một ứng dụng đặc biệt nào đó, hay để tùy chỉnh sâu vào hệ thống như giao diện, tính năng, và rất nhiều thứ bạn nữa không thể trực tiếp thực hiện khi chưa root máy. Hơn nữa, với những chiếc điện thoại có cấu hình lỗi thời, khi root máy bạn có thể sử dụng vô số phương pháp để tăng tốc CPU hay tinh chỉnh những tập tin trong hệ thống, điều mà bình thường chúng ta không thể nào làm được.

Android

Bên cạnh đó, root máy cũng giúp tối ưu hóa dung lượng lưu trữ bằng một số ứng dụng yêu cầu root như App2SD, Link2SD, SD Maid Pro... Những ứng dụng này rất hữu ích trong việc làm sạch dung lượng lưu trữ của máy hay chuyển data qua thẻ nhớ ngoài. Bạn có thể được thêm hàng trăm MB dung lượng bộ nhớ máy hay hệ thống khi dùng chúng.

Nhưng tại sao hiện nay việc Root không còn thịnh hành?

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhiều smartphone hiện nay có giá thành tương đối rẻ, nhưng đem lại hiệu năng cực kỳ cao. Vì vậy, việc root smartphone để tăng hiệu năng có thật sự cần thiết nữa không khi rủi ro nó mang lại cũng không ít.

Android

Về phần các ứng dụng đi kèm (bloatware), nhiều nhà sản xuất đã cho phép tắt chúng đi dễ dàng, tuy không thể xóa được nhưng với dung lượng bộ nhớ trong vào khoảng 32 GB tương đối thoải mái thì 100 MB - 200 MB cũng không gây ảnh hưởng bao nhiêu.

Một số ứng dụng không hoạt động được trên điện thoại đã Root

Đối với những ứng dụng đòi hỏi độ bảo mật cao thì thì điện thoại đã root là một trở ngại. Chẳng hạn đối với các ứng dụng ngân hàng và streaming, khi sử dụng bạn sẽ gặp thông báo "The app couldn’t run on rooted devices". Hoặc khi bạn thử tải về những video trên mạng thì bạn cũng sẽ gặp vấn đề tương tự với những máy đã root. 

Tác hại dễ nhận thấy nhất chính là việc nâng cấp phiên bản qua OTA sẽ không thể thực hiện được nếu máy đã bị can thiệp. Các hãng sản xuất hiện nay như Samsung, Asus, OPPO... luôn tung ra các bản cập nhật lớn nhỏ để tối ưu hệ thống hay vá lỗi. Dĩ nhiên, việc không thể cập nhật chúng khá là khó chịu trên những máy đã root.

Còn lý do nào nữa để root?

Một trong những lý do quan trọng mà người dùng muốn root thiết bị Android chính là để cài ROM cook. Tuy nhiên, cả thèm thì chóng chán, thật sự thì với những thiết bị gần đây, việc bạn cài Custom ROM vào cũng không mang lại trải nghiệm thật sự khác biệt so với ROM gốc và tính ổn định thì chắc chắn không thể bằng ROM của nhà sản xuất.

Android

Một lý do có thể là để đạt được quyền truy cập không giới hạn vào thẻ nhớ như việc thống nhất bộ nhớ hay chuyển ứng dụng hoàn toàn qua thẻ nhớ, điều mà khá khó khăn đối với những thiết bị sử dụng Android 6.0 trở về trước. Nhưng từ khi Android Marshmallow ra đời, đó không còn là vấn đề khó giải quyết nữa.

Kết luận

Với nhu cầu sử dụng thường ngày, thật sự bạn không cần root máy. Các nhà phát triển đang đưa ra nhiều ứng dụng với tính năng mà trước đây chỉ những máy đã root mới có. Lý do thiết thực nhất khi root máy có lẽ là để cài đặt ROM cook, nhưng nếu không có nhu cầu tuỳ biến quá nhiều và cảm thấy hài lòng với ROM gốc thì gần như bạn không còn lý do đáng thuyết phục nào để làm việc này.

Nguồn Androidpit